Thuốc chữa chảy máu chân răng là từ khóa được tìm kiếm khá nhiều trong thời gian gần đây cho thấy sự quan tâm và mong muốn cải thiện nhanh chóng tình trạng tổn thương nướu lợi. Chảy máu chân răng chỉ là biểu hiện thông thường nhưng trên thực tế, đây lại là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, mời bạn tham khảo ngay nội dung sau đây!
Nguyên nhân gây chảy máu chân răng
Chảy máu chân răng là dấu hiệu cảnh báo nướu, lợi của bạn đang rơi vào tình trạng viêm nhiễm. Trong trường hợp này, sức đề kháng cũng như khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn giảm đi, khiến cấu trúc nướu răng dần bị phá hủy do vi khuẩn tồn tại ở mảng bám và lỗ răng sâu.
Dưới đây là một số tác nhân khiến tình trạng chảy máu chân răng xuất hiện và trở nên tồi tệ hơn:
- Viêm lợi: Lợi bị kích thích, đỏ, sưng và chảy máu khi có bất cứ một tác động nào (đánh răng, dùng chỉ nha khoa,...).
- Viêm quanh răng: Nếu không kịp thời điều trị viêm lợi, nó có thể dẫn đến viêm các tổ chức quanh răng. Không chỉ làm hỏng mô và hệ xương nâng đỡ răng, tình trạng này còn khiến nướu bị tổn thương nặng, lợi kém săn chắc, tụt khỏi chân răng, hôi miệng nghiêm trọng. Lúc này, bạn có thể gặp phải tình trạng răng lung lay, mất răng.
- Thiếu dinh dưỡng nướu lợi: Theo nghiên cứu, thiếu vitamin C và vitamin K là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng chảy máu chân răng. Cụ thể: Vitamin C là một chất chống oxy mạnh mẽ, đồng thời có tác dụng đối với quá trình tạo mô liên kết và mô răng phát triển bình thường. Do đó, khi thiếu dưỡng chất này, nướu lợi dễ bị tấn công, gây sưng, viêm, chảy máu. Trong khi đó, vitamin K là chất có khả năng đông máu và rất tốt cho hệ xương. Bởi vậy, khi không đủ hàm lượng trong cơ thể sẽ gây ra vấn đề xuất huyết ở chân răng.
- Bệnh đái tháo đường: Nướu chảy máu hoặc sưng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2. Ở những người bị bệnh này, hàng rào miễn dịch trở nên yếu ớt, cơ thể nhạy cảm hơn với các tác nhân gây hại từ môi trường như vi khuẩn, virus. Bởi vậy, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả trên nướu răng. Cùng với đó, lượng đường huyết cao thúc đẩy quá trình oxy hóa, làm tổn thương các mao mạch nhiều hơn, giảm vận chuyển máu đến tế bào nướu răng, khiến các tổn thương trong miệng khó lành.
- Hạ tiểu cầu: Nướu chảy máu thường xuyên và kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo sự thiếu hụt tiểu cầu (đặc biệt với người bị u bướu). Đây là thành phần tham gia trực tiếp vào quá trình cầm máu trong cơ thể. Do đó, khi số lượng tiểu cầu giảm sút sẽ khiến cho quá trình cầm máu khó khăn hơn, dẫn đến việc chảy máu chân răng nghiêm trọng.
- Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì hay mang thai,... cũng khiến nướu lợi nhạy cảm hơn và gây nên tình trạng này.
>>> Xem thêm: Chảy máu chân răng có nguy hiểm không?
Thuốc chữa chảy máu chân răng hiệu quả
Rất nhiều phương pháp giúp khắc phục tình trạng chảy máu chân răng, trong đó có việc sử dụng thuốc. Cách này thường được áp dụng trong trường hợp xuất hiện kèm theo triệu chứng viêm nhiễm trong khoang miệng và chảy máu khó kiểm soát. Vậy đâu là loại thuốc chữa chảy máu chân răng hiệu quả?
Kháng sinh
Spiramycin và metronidazol là kháng sinh trị bệnh răng miệng hàng đầu hiện nay. Spiramycin có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, thải trừ qua nước bọt nên đặc biệt tốt trong điều trị nhiễm khuẩn nướu, lợi. Khi phối hợp với metronidazol sẽ giúp tăng cường hiệu lực kháng khuẩn, ngăn chặn tối đa sự ảnh hưởng đến hệ thống mô và mao mạch quanh răng.
Chú ý:
– Không dùng chung thuốc có thành phần metronidazol với disulfiram, dễ gây ra tình trạng hoang tưởng và rối loạn tâm thần.
– Không dùng metronidazol với chế phẩm chứa cồn vì có thể dẫn đến hiện tượng nóng, nôn mửa và tim đập nhanh.
Kháng sinh giúp cải thiện tình trạng chảy máu chân răng
Thuốc chống viêm, phù nề
Alphachymotrypsin là hoạt chất được sử dụng khá nhiều ở các phác đồ điều trị bệnh răng miệng, trong đó có chảy máu chân răng, với công dụng: Giảm viêm, chống phù do viêm loét hay áp xe.
Tuy nhiên, thuốc không nên sử dụng trong các trường hợp:
– Rối loạn cơ chế đông máu, người bị bệnh gan nặng và dị ứng với thành phần của thuốc.
– Người có vết thương hở hoặc người bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.
– Với phụ nữ mang thai, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Bổ sung dưỡng chất khác
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc cải thiện tình trạng chảy máu chân răng thì bạn nên bổ sung thêm vitamin C, vitamin B3 (PP) và vitamin E, vì: Vitamin C giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, tăng cường độ bền thành mạch, giảm thiểu viêm nhiễm răng, nướu. Vitamin E có khả năng ức chế quá trình viêm, hạn chế tình trạng chảy máu chân răng do nhiễm khuẩn. Vitamin PP thúc đẩy quá trình tái tạo niêm mạc, giúp cho các vết thương hở, trầy xước trong miệng nhanh lành.
Bổ sung vitamin B3 giúp cải thiện tình trạng chảy máu chân răng
Tuy việc sử dụng thuốc sẽ giúp bạn cải thiện nhanh tình trạng chảy máu chân răng nhưng hầu hết các loại thuốc đều gây nên những tác dụng phụ cho cơ thể, đặc biệt trên gan, thận,... nên cần thận trọng khi sử dụng.
>>> Xem thêm: Người bị sưng nướu răng phải làm sao?
Hà Anh