Sưng nướu răng là một trong những bệnh răng miệng thường gặp. Khi bị sưng nướu răng phải làm sao là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Lý do là bởi bệnh khiến người mắc bứt rứt, khó chịu và đau đớn trong thời gian dài. Vậy sưng nướu răng là gì? Giải pháp hiệu quả nào được khuyên nên áp dụng cho người bị sưng nướu răng? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để có được câu trả lời!
Sưng nướu răng là bệnh gì?
Sưng nướu răng là hiện tượng nướu bị sưng phồng lên do viêm nhiễm xảy ra ở khu vực này. Bệnh gây nhiều khó chịu cho người mắc trong ăn uống cũng như sinh hoạt. Bệnh nhân sẽ bị chảy máu chân răng thường xuyên khi ăn uống hoặc vô tình chạm phải vết sưng. Tuy nhiên, ngay sau đó, chỗ sưng không biến mất mà chúng lại phồng lên nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và hình thành ổ áp xe rất nguy hiểm. Các triệu chứng thường gặp khi bị sưng nướu răng bao gồm:
- Nướu sưng đỏ, đau khi ấn nhẹ vào.
- Chảy máu khi đánh răng hay ăn uống.
- Đau nhức khi nhai, cắn thức ăn.
- Hôi miệng.
Đau nhức khi nhai, cắn thức ăn là biểu hiện của sưng nướu răng
Không chỉ gây đau đớn, sưng nướu răng còn khiến cho người mắc tự ti khi xuất hiện tình trạng hôi miệng, ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra sưng nướu răng là gì để có những biện pháp phòng tránh thích hợp.
Nguyên nhân gây sưng nướu răng
Nhờ nướu mà răng có thể hoạt động khỏe mạnh. Nướu có tác dụng cố định, bảo vệ răng trước những tác động từ môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, nướu cũng có chứa nhiều mạch máu để nuôi dưỡng răng, giúp răng chắc khỏe. Một tác nhân nào đó gây viêm sẽ khiến nướu bị sưng đỏ lên, che kín các bộ phận của răng. Khi đó, người mắc sẽ gặp những khó khăn trong ăn uống, dễ chảy máu lúc đánh răng hay nhai thức ăn. Có nhiều nguyên nhân gây sưng nướu răng, thường gặp là:
Viêm nướu
Viêm nướu là sự tích lũy các mảng cao răng trên bề mặt răng do vệ sinh răng miệng kém. Mảng bám có chứa nhiều vi khuẩn và mảnh thức ăn. Cao răng nhiều trên bề mặt răng sẽ kích ứng gây ra viêm nướu. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng sưng nướu răng.
Sưng nướu răng do viêm nướu
Mang thai
Các mao mạch ở nướu sẽ giãn nở rộng khi có sự gia tăng đột ngột của nồng độ hormone lúc mang thai. Đây là nguyên nhân khiến nướu bị sưng phồng. Thậm chí, sự thay đổi này còn khiến hệ miễn dịch của nướu răng giảm sút, làm tăng nguy cơ viêm nướu.
Thiếu chất dinh dưỡng
Sưng nướu xuất hiện cơ thể bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B và C. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc giúp làm lành nhanh chóng các mô sau tổn thương, tăng cường miễn dịch cho răng miệng. Thiếu vitamin C có thể gây ra bệnh scurvy, làm chảy máu chân răng kéo dài và sưng nướu.
Thiếu vitamin C gây chảy máu chân răng và sưng nướu
Nhiễm trùng
Sự xâm nhập của nấm và virus có thể gây ra sưng nướu. Đặc biệt, nếu bạn bị herpes có thể dẫn đến tình trạng viêm nướu herpetic cấp tính, khiến nướu sưng lên.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, sâu răng không được điều trị cũng có thể dẫn đến áp xe răng – sưng nướu cục bộ và kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác. Như vậy, nguyên nhân gây sưng nướu khá đa dạng. Hơn nữa, sưng nướu còn lâu khỏi và rất dễ tái phát. Do vậy, để cải thiện tình trạng này, bạn cần có chế độ chăm sóc răng hợp lý.
Người bị sưng nướu răng phải làm sao?
Khi bị sưng nướu răng phải làm sao là vấn đề được nhiều người thắc mắc. Hiện nay, áp dụng cách chăm sóc răng miệng khoa học là giải pháp hàng đầu để điều trị các bệnh răng miệng. Nếu bạn nhận thấy nướu của mình bị sưng, hãy thử các bước chăm sóc tại nhà sau đây:
- Chải ít nhất 2 lần/ngày theo đúng hướng dẫn của chuyên gia nha khoa. Đồng thời, bạn nên dùng chỉ nha khoa thường xuyên, đặc biệt là sau khi ăn. Hầu hết các nướu bị sưng là do viêm nướu nên vệ sinh răng miệng tốt là biện pháp bảo vệ hiệu quả.
- Sử dụng kem đánh răng (hoặc nước súc miệng) không gây kích ứng nướu. Nếu bạn thấy nướu bị kích ứng bởi các sản phẩm vệ sinh răng miệng đang dùng, hãy thử một nhãn hiệu khác.
Sử dụng kem đánh răng không gây kích ứng nướu
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá có thể gây kích ứng nướu. Mặt khác, thuốc lá cũng làm giảm khả năng miễn dịch của răng miệng đi đáng kể. Không chỉ vậy, hút thuốc lá còn khiến răng miệng không đáp ứng với các thuốc điều trị thông thường.
- Tránh đồ uống chứa cồn như bia, rượu vì nó có thể kích thích nướu và gây sưng.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn thêm nhiều trái cây, rau củ để bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế ăn những thực phẩm dễ bị kẹt giữa kẽ răng hoặc giữa răng và nướu như: Thịt gà, bỏng ngô, bánh mì,…
- Tránh xa đồ uống và thức ăn có nhiều đường: Các vi khuẩn trong khoang miệng lên men đường và tạo thành acid, gây sưng phồng nướu. Do đó, bạn không nên sử dụng đồ uống và thức ăn có nhiều đường hoặc sau khi ăn có thể súc miệng, đánh răng để loại bỏ đường ra khỏi khoang miệng. Mặt khác, tiêu thụ nhiều đường có thể gây bệnh đái tháo đường. Đây cũng là nguyên nhân khiến sưng nướu dễ xảy ra.
Tránh xa đồ ăn nhiều đường để bảo vệ nướu răng
- Súc miệng nước muối: Nước muối giúp giảm bớt vi khuẩn trong khoang miệng cũng như làm dịu vết nướu sưng và thúc đẩy bệnh mau khỏi. Súc miệng nước muối đều đặn 2 - 3 lần/ngày sẽ là biện pháp đơn giản nhưng mang lại nhiều hiệu quả.
- Chườm nóng hoặc lạnh: Nếu vết sưng quá lớn và gây nhiều đau đớn thì chườm nóng hoặc lạnh sẽ là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bạn nên chườm nóng bằng thảo dược như: Ngải cứu rang muối,… hoặc chườm lạnh bằng đá 2 - 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 - 20 phút để thấy hiệu quả rõ rệt.
Nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà kể trên không hiệu quả sau một thời gian hoặc vết sưng của bạn khá nặng, hãy tìm hướng giải quyết phù hợp hơn.
Hạ Vy