Theo thống kê của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 90% người dân mắc các bệnh về răng miệng. Trong đó gồm các bệnh về lợi như viêm nướu, viêm quanh răng… Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất ở người lớn với tỷ lệ 90%. Vậy nguyên nhân nào gây ra các bệnh về lợi, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Nếu bạn đang quan tâm đến những vấn đề này thì hãy dành ít phút đọc ngay bài viết dưới đây nhé!
Lợi là gì?
Lợi (hay nướu răng) là một phần của niêm mạc miệng, được cấu tạo từ các mô mềm. Lợi đóng vai trò bảo vệ, nâng đỡ và giữ chân răng luôn được chắc chắn. Đồng thời, lợi giúp cho răng luôn được thẳng hàng.
Lợi được chia thành hai phần là lợi rời và lợi dính:
- Lợi rời (hay lợi tự do): Đây là phần lợi viền bao quanh cổ răng, không dính vào răng. Lợi tự do tạo với cổ răng một khe nhỏ gọi là rãnh lợi, đây cũng là vị trí giới hạn với lợi dính.
- Lợi dính: Là phần lợi kế tiếp lợi rời, bám chặt vào chân răng và không di chuyển.
Lợi khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt, ôm sát răng, có dạng cong mịn hoặc hình vỏ sò xung quanh mỗi răng, lấp đầy và vừa khít với từng khoảng trống giữa các răng. Đồng thời, lợi khỏe mạnh có kết cấu chắc chắn và không có phản ứng với những tác động bình thường như đánh răng.
Lợi khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt, ôm sát răng, kết cấu chắc khỏe…
Các bệnh về lợi thường gặp
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 90% dân số gặp các vấn đề về răng miệng, bao gồm các bệnh về lợi như viêm lợi, viêm nha chu hay tụt lợi chân răng. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.
Viêm nướu
Viêm nướu (hay viêm lợi) là một dạng bệnh nướu răng phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Bệnh gây ra những triệu chứng nhẹ như sưng lợi, lợi có màu đỏ, chảy máu khi đánh răng hoặc chảy máu tự phát và xuất hiện mảng bám.
Viêm nướu được chia làm hai loại chính là viêm nướu do mảng bám răng và viêm nướu do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
- Viêm nướu do mảng bám răng xảy ra khi mảng bám răng tích tụ, gây kích ứng nướu răng, từ đó dẫn đến tình trạng nướu bị viêm, đổi màu, khó chịu và đau nhức.
- Trong khi đó, viêm nướu do nhiễm khuẩn, virus hoặc nấm xảy ra khi người bệnh mắc một bệnh lý nào đó hoặc dị ứng, dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu. Ngoài ra, những vấn đề với răng giả cũng có thể gây ra loại viêm nướu này.
Viêm nướu có thể điều trị triệt để trong giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm có thể lan đến mô và xương bên dưới (viêm nha chu), thậm chí gây mất răng.
Lợi bị sưng đỏ, chảy máu, đau nhức… là những dấu hiệu viêm lợi
Viêm nha chu
Viêm nha chu (hay viêm quanh răng) là một bệnh về răng lợi. Đây là một bệnh viêm mạn tính do vi khuẩn gây ra. Viêm nha chu sẽ phá hủy toàn bộ cấu trúc quanh răng (gồm xương hàm và dây chằng nha chu), có thể dẫn đến mất răng và các vấn đề về sức khỏe.
Bệnh viêm nha chu thường tiến triển chậm trong nhiều năm, ít được quan tâm và chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng. Ước tính có khoảng 70% trường hợp bị mất răng do viêm nha chu gây ra.
Tụt lợi chân răng
Tụt lợi hay tụt nướu là tình trạng nướu bị rút về phía chân răng, khiến răng trông dài hơn bình thường. Lâu dần, tụt lợi sẽ làm lộ chân răng, thức ăn và mảng bám dễ dàng bám vào các kẽ răng, gây mất thẩm mỹ. Khi không còn lợi bảo vệ, chân răng dễ bị tổn thương hơn. Trong những trường hợp xấu nhất, người bệnh có thể bị mất răng.
Tụt lợi có thể xảy ra ở cả hàm răng và dễ nhận thấy hơn ở hàm trên, đặc biệt là răng cửa và răng nanh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tụt lợi hở chân răng như mảng bám, chăm sóc răng miệng không đúng cách, chải răng quá mạnh…
Tụt lợi chân răng là tình trạng lợi tụt để lộ chân răng, khiến răng trông dài hơn bình thường
Nguyên nhân nào gây ra các bệnh về lợi?
Mảng bám răng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về nướu răng. Lâu ngày, sự tích tụ của mảng bám tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây kích ứng nướu và viêm nhiễm.
Bên cạnh nguyên nhân mảng bám răng, các bệnh về lợi còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác như:
- Thay đổi nội tiết tố: Trong thời gian mang thai, dậy thì, mãn kinh và kinh nguyệt, nướu răng rất nhạy cảm, tạo điều kiện cho bệnh viêm nướu phát triển.
- Bệnh tật: Những bệnh nhân ung thư, HIV, tiểu đường có khả năng mắc các bệnh về nướu răng cao.
- Thuốc: Thuốc có thể làm giảm lưu lượng nước bọt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Một số loại thuốc như thuốc chống co giật Dilantin, thuốc chống đau thắt ngực Procardia và Adalat, thuốc chẹn kênh canxi có thể gây ra sự phát triển bất thường của mô nướu, làm tăng nguy cơ viêm nướu.
- Hút thuốc: Người hút thuốc có khả năng mắc các bệnh về lợi cao hơn người không hút thuốc. Bởi vì thuốc lá có khả năng tạo ra nhiều mảng bám răng và cao răng.
- Vệ sinh răng miệng kém: Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ là điều kiện thuận lợi cho mảng bám răng hình thành và phát triển.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc các bệnh về lợi tăng dần theo tuổi tác.
Mảng bám răng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về lợi
Triệu chứng của người bệnh khi gặp các vấn đề về lợi
Một số triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh về lợi như:
- Lợi bị sưng tấy, có màu đỏ
- Lợi mềm và xốp, khi chạm vào cảm thấy đau
- Chảy máu khi bị tác động (khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa) hoặc chảy máu tự phát
- Hôi miệng hoặc hơi thở có mùi khó chịu
- Tụt nướu chân răng
- Răng lung lay
Tuy nhiên, ở một số trường hợp sẽ không xuất hiện triệu chứng đáng chú ý. Bệnh chỉ có thể phát hiện và đánh giá tình trạng khi khám nha khoa.
Biến chứng do các vấn đề về lợi gây ra
Khi gặp các vấn đề về lợi, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng sau:
- Viêm nha chu: Viêm lợi nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nha chu. Đây là giai đoạn khó điều trị triệt để, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Không những thế, viêm nha chu nặng còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý khác như tiêu xương hàm, nguy cơ bị tiểu đường, tim mạch, đột quỵ…
- Mất răng: Viêm nướu ở giai đoạn nặng sẽ dẫn đến viêm nha chu, khiến xương và dây chằng bao bọc quanh răng bị tiêu hủy dần. Điều này khiến răng lung lay và có thể làm mất răng.
- Viêm phổi: Ở những bệnh nhân bị viêm nướu nặng, vi khuẩn từ khoang miệng sẽ đi vào trong phổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Mất răng là biến chứng nặng nhất của các bệnh về lợi
Bệnh về lợi được chẩn đoán như thế nào?
Khi khám nha khoa, nha sĩ sẽ tiến hành một số thủ tục để kiểm tra và đánh giá tình trạng bệnh. Các bệnh về lợi được chẩn đoán dựa trên những phương pháp sau:
- Kiểm tra răng miệng: Để tìm ra các dấu hiệu của mảng bám và cao răng trong khoang miệng. Ngoài ra, nha sĩ sẽ tiến hành kiểm tra màu sắc và hình dạng của nướu, mức độ nhạy cảm của răng, răng có lung lay hay không...
- Chụp X - quang hàm: Để xác định mức độ, tình trạng của nướu và liệu có xảy ra tình trạng tiêu xương hay không.
- Đo độ sâu túi nha chu giữa rãnh của nướu và răng: Phương pháp này giúp nha sĩ xác định tình trạng của mô liên kết và mức độ tụt lợi. Nha sĩ sẽ sử dụng một que dài, mảnh cắm bên cạnh răng và bên dưới đường viền nướu. Nếu độ sâu túi nằm trong khoảng từ 1-3mm thì nướu còn khỏe mạnh. Nếu độ sâu túi hơn 4mm thì có thể đã bị viêm nha chu.
- Ngoài ra, nha sĩ cũng sẽ xem xét chi tiết về bệnh sử của người bệnh hoặc các yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về lợi như hút thuốc hoặc sử dụng một số loại thuốc gây khô miệng.
Các phương pháp điều trị bệnh về lợi
Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà nha sĩ sẽ chỉ định điều trị theo các phương pháp khác nhau. Một số phương pháp điều trị các bệnh về lợi phổ biến hiện nay gồm cạo vôi răng, điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc sử dụng sản phẩm chứa nano bạc.
Cạo vôi răng
Sự tích tụ của vi khuẩn trên bề răng sẽ hình thành mảng bám. Lâu ngày, mảng bám không được làm sạch sẽ bị vôi hóa thành vôi răng, bám chặt trên đường viền lợi, dẫn đến viêm lợi.
Chính vì thế, cạo vôi răng được xem là cách chữa viêm lợi hiệu quả và nhanh chóng, cũng như phòng ngừa các vấn đề về răng miệng. Cạo vôi răng giúp loại bỏ mảng bám và vôi răng trên nướu bằng cách sử dụng độ rung sóng siêu âm từ đầu của dụng cụ cạo vôi.
Cạo vôi răng giúp phòng ngừa và điều trị viêm lợi hiệu quả, nhanh chóng
Điều trị nội khoa
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc chữa viêm lợi như:
- Thuốc kháng sinh: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, virus hoặc nấm trú ngụ trong khoang miệng.
- Thuốc kháng viêm non-steroid: Làm giảm triệu chứng sưng tấy, đau nhức do viêm lợi gây ra.
- Thuốc corticosteroid: Có đặc tính kháng viêm mạnh, giúp giảm đau, đỏ khi bị sưng lợi.
Tiến hành phẫu thuật với những trường hợp nặng
Khi viêm lợi phát triển sang giai đoạn viêm nha chu hoặc bị tụt lợi, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Viêm nha chu
Phẫu thuật nha chu là một thủ thuật nha khoa nhằm phục hồi hình dạng và chức năng của răng, nướu và xương bị tổn thương do viêm nha chu gây ra. Các lựa chọn phẫu thuật nha chu bao gồm:
- Phẫu thuật ghép mô mềm để giảm tụt nướu và bảo vệ chân răng không bị tổn thương.
- Phẫu thuật tạo vạt nướu hoặc phẫu thuật làm giảm độ sâu túi nha chu để làm sạch các mảng bám vi khuẩn trên răng.
- Phẫu thuật ghép xương và mô để chuẩn bị cho việc cấy ghép răng hoặc phục hình răng hiện có.
Tụt lợi chân răng
Đối với những bệnh nhân bị tụt nướu nặng cần phải thực hiện phẫu thuật ghép nướu. Thủ thuật này giúp tái tạo lại hình dạng cho nướu răng, hồi phục phần nướu bị hư tổn và ngăn ngừa tình trạng tụt nướu trở nên nặng hơn.
Nha sĩ sẽ sử dụng phần da được lấy ở vòm miệng hoặc các vùng phù hợp để cấy ghép vào vị trí nướu bị tụt. Sau đó, nha sĩ sẽ tiến hành khâu vết thương và phủ lên nướu một lớp màng sinh học nhân tạo.
Cải thiện bệnh nướu răng bằng sản phẩm chứa nano bạc
Song song với những phương pháp điều trị kể trên, nha sĩ khuyến khích người bệnh nên sử dụng các sản phẩm chứa nano bạc trong quá trình điều trị các bệnh về lợi.
Nano bạc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, virus và nấm gây viêm trong khoang miệng theo 3 cơ chế sau:
- Ngăn chặn quá trình trao đổi chất của vi sinh vật.
- Phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, virus và nấm.
- Ngăn chặn sự nhân lên của vi sinh vật trong khoang miệng.
Nano bạc sẽ tấn công trực tiếp các vi khuẩn trong khoang miệng - nguyên nhân gây ra viêm lợi, viêm nha chu, từ đó giúp giảm sưng đau. Ngoài ra, nano bạc còn có tác dụng ngăn ngừa hình thành mảng bám răng, giữ ẩm cho khoang miệng, kích thích bài tiết nước bọt và khử mùi hôi.
Nano bạc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn - nguyên nhân gây ra các bệnh về lợi
Biện pháp phòng ngừa các bệnh về lợi
Một số biện pháp có thể ngăn ngừa các bệnh về lợi như:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày
- Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần
- Kiểm tra răng miệng định kỳ 6 tháng/lần
- Sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám giữa các kẽ răng
- Không hút thuốc lá
Viêm lợi chân răng, viêm nha chu, tụt lợi là các bệnh về lợi khá phổ biến. Bệnh nướu răng có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn cạo vôi răng, điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc sử dụng sản phẩm chứa nano bạc. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc các bệnh về nướu răng, hãy liên hệ ngay với chúng tôi bằng cách để lại bình luận bên dưới bài viết. Mọi thắc mắc của bạn sẽ được chuyên gia giải đáp kịp thời và chính xác nhất.
>>>XEM THÊM: Top 7 nguyên nhân gây viêm lợi hàng đầu cần phải biết TẠI ĐÂY
Nguồn tham khảo:
https://www.webmd.com/oral-health/guide/gingivitis-periodontal-disease
https://www.medicalnewstoday.com/articles/241721#prevention
https://www.efp.org/what-is-periodontitis/
https://www.news-medical.net/health/Gingivitis-Diagnosis.aspx