9 bệnh răng miệng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Chăm sóc sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến rất nhiều bệnh răng miệng khác như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… Các bệnh lý răng miệng tuy không nguy hiểm, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người

Chăm sóc sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến rất nhiều bệnh răng miệng khác như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… Các bệnh lý răng miệng tuy không nguy hiểm, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người mắc.

Bài viết sau đây là tổng hợp 9 bệnh răng miệng phổ biến nhất mà bạn có thể gặp. Từ đó, bạn sẽ biết được cách phòng ngừa các bệnh lý răng miệng tốt hơn.

9 loại bệnh răng miệng phổ biến

Có nhiều loại bệnh răng miệng khác nhau, sau đây là 9 bệnh răng miệng phổ biến mà bạn có thể gặp phải.

Bệnh nha chu (bệnh nướu răng)

Bệnh nha chu (viêm nha chu) là tình trạng nướu răng bị nhiễm trùng nghiêm trọng, gây tổn thương mô mềm, thậm chí có thể hủy hoại và khiến mất răng.

Nguyên nhân gây nha chu thường bắt đầu từ các mảng bám dính trên răng. Mảng bám này được tạo thành từ các vi khuẩn, chất nhầy cùng những phần tử khác. Những mảng bám răng không được loại bỏ khi đánh răng hoặc chỉ nha khoa sẽ bị cứng lại, tạo thành cao răng. Cao răng gây ra tình trạng viêm nướu liên tục và phát triển thành bệnh nha chu.

viem-nha-chu-la-mot-benh-rang-mieng-kha-pho-bien.webp

Viêm nha chu là một bệnh răng miệng khá phổ biến

Triệu chứng nhận biết bệnh nha chu:

  • Nướu răng bị sưng, có màu đỏ tươi, mềm khi chạm vào và dễ chảy máu.
  • Sau khi đánh răng thấy xuất hiện màu hồng hoặc máu trên bàn chải.
  • Hôi miệng, có mủ giữa răng, nướu.
  • Đau khi nhai, xuất hiện các khoảng trống giữa răng, nướu bị kéo ra khỏi răng.
  • Răng lung lay hoặc nghiêm trọng hơnbị mất răng.

Bệnh sâu răng

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến và có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân sâu răng là do các mảng bám kết hợp với đường/tinh bột ở thực phẩm, tạo thành acid và tấn công vào men răng. Lúc này, men răng bị thủng khiến vi khuẩn xâm nhập vào răng và gây sâu răng.

Triệu chứng của sâu răng bao gồm: Đau nhức răng hoặc xung quanh răng không rõ nguyên nhân, xuất hiện các đốm màu xám, nâu ở trên bề mặt răng, nướu răng bị sưng tấy, khó nhai, răng nhạy cảm hơn.

Tình trạng hôi miệng

Hôi miệng có thể do nhiều yếu tố gây ra và là một tình trạng mạn tính. Một số nghiên cứu cho rằng, các bệnh lý răng miệng khác chiếm đến 85% nguyên nhân gây hôi miệng kéo dài. Ví dụ như sâu răng, ung thư miệng, các bệnh nướu răng, viêm nha chu,…

Ngoài ra, những thói quen ăn uống không hợp lý, hút thuốc, vệ sinh răng miệng kém hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp cũng có thể gây hôi miệng.

Hơi thở thấy mùi hôi, miệng khô, nứt nẻ, nước bọt đặc, nhầy, có vị kim loại hoặc vị đắng khó chịu… là những triệu chứng điển hình của tình trạng hôi miệng.

hoi-mieng-la-he-qua-cua-nhung-benh-rang-mieng-khac.webp

Hôi miệng thường là hệ quả của những bệnh răng miệng khác

Bệnh nấm miệng

Bệnh nấm miệng là tình trạng nhiễm trùng lưỡi, họng, niêm mạc miệng hoặc thực quản. Nguyên nhân chính gây ra nấm miệng là do nấm Candida xâm chiếm. Trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch suy yếu (ung thư, HIV/AIDS,…) là đối tượng dễ bị nấm miệng.

Triệu chứng của nấm miệng: Xuất hiện các vết loét, tổn thương màu trắng tại niêm mạc miệng; Xuất hiện vết nứt, kích ứng ở khóe miệng, khó chịu khi cố gắng nuốt, giảm thèm ăn.

Bệnh viêm tủy răng

Viêm tủy răng là một phản ứng của cơ thể để bảo vệ tủy răng trước các tác nhân gây bệnh khác. Nguyên nhân thường gặp của viêm tủy răng là do vi khuẩn tồn tại và xâm nhập vào tủy răng qua lỗ sâu. Ngoài ra, các yếu tố vật lý bên ngoài, hóa chất (nhiễm độc thủy ngân, nhiễm độc chì,…) cũng gây ra tình trạng viêm tủy răng.

Triệu chứng viêm tủy răng:

  • Răng bị đau nhức âm ỉ, mức độ đau tăng dần theo thời gian, răng xuất hiện sự lung lay.
  • Đau nhức diễn ra liên tục, đặc biệt về đêm. Cơn đau có thể buốt lên tận đầu và việc sử dụng thuốc giảm đau cũng không đem lại hiệu quả tốt.
  • Nướu thâm, sưng tấy, xuất hiện các túi mủ trắng trên nướu, ấn vào thấy đau.
  • Răng bị nhạy cảm với đồ ăn lạnh, chua, nóng, ngọt,…

Bệnh ung thư miệng

Ung thư miệng bao gồm các bệnh ung thư nhỏ hơn như ung thư nướu răng, môi, lưỡi, má, lợi hàm (trên và dưới),... Nguyên nhân gây ung thư miệng có thể xuất phát từ việc sử dụng thuốc lá, rượu, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, betacaroten,…

Ngoài ra, những tổn thương tiền ung thư như bạch sản, xơ hóa dưới niêm mạc, hồng sản, hoặc virus HPV, hội chứng Plummer - Vinson cũng có thể là nguyên nhân gây ra ung thư miệng.

Triệu chứng của ung thư miệng: Tăng tiết nước bọt, có thể có máu, cảm giác vướng trong miệng. Nuốt khó hoặc đau, cơn đau lan đến tai. Giai đoạn ung thư miệng tiến triển có thể khạc ra đờm nhầy và máu, mùi hôi.

ung-thu-luoi-la-mot-trong-cac-loai-benh-rang-mieng-thuoc-nhom-ung-thu-mieng.webp

Ung thư lưỡi là một trong các loại bệnh răng miệng thuộc nhóm ung thư miệng

Bệnh sứt, mẻ răng

Đây là tình trạng răng bị chấn thương, thường xảy ra ở khu vực vùng cạnh cắn của răng hoặc phần răng cửa. Nguyên nhân gây sứt, mẻ răng có thể đến từ những tác động vật lý bên ngoài như tai nạn, va chạm hoặc cắn phải các vật cứng. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt, thói quen nghiến răng khi ngủ, sâu răng, cơ thể bị thiếu khoáng chất (canxi, flour) cũng gây ra tình sạng sứt, mẻ răng.

Răng xuất hiện các vết nứt, bị mẻ, bể răng là dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh răng miệng này. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy ê buốt, khó chịu khi ăn đồ lạnh sứt mẻ răng khiến cho tủy răng, ngà răng bị lộ ra ngoài.

Lở loét miệng

Lở loét miệng là tình trạng các mô mềm, niêm mạc miệng bị tổn thương và tạo ra các vết loét. Nguyên nhân chính xác của lở loét miệng chưa được biết chính xác. Tuy vậy, các tác nhân gây lở loét miệng có thể kể đến như chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, sắt, acid folic, hoặc nhạy cảm với thực phẩm, phản ứng dị ứng của cơ thể, thay đổi nội tiết tố,…

Triệu chứng lở loét miệng: Xuất hiện vết loét, lở hình tròn hoặc bầu dục, có màu xám/trắng, viền màu đỏ. Những vết loét này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc theo từng cụm từ 10 – 100 vết (loét miệng toàn phát). Ngoài ra, người bệnh có thể bị kèm theo sốt, đầy hơi, đau bụng,…

Răng nhạy cảm

Răng nhạy cảm cũng là một bệnh răng miệng phổ biến. Đây là tình trạng đau, khó chịu, ê buốt xảy ra khi răng tiếp xúc với một số yếu tố gây kích ứng như nhiệt độ, đồ ăn,… Nguyên nhân gây ra sự nhạy cảm cho răng ví dụ như thường xuyên sử dụng thực phẩm có acid, tụt nướu, sử dụng bàn chải quá cứng, răng bị sứt mẻ, sâu răng, nghiến răng,…

Triệu chứng của răng nhạy cảm: Đau, ê buốt, khó chịu khi tiếp xúc với thực phẩm/đồ uống quá nóng/lạnh, khi vệ sinh răng miệng hoặc sử dụng đồ uống có cồn.

e-buot-la-mot-trong-nhung-bieu-hien-cua-benh-rang-mieng-nhay-cam.webp

Ê buốt là một trong những biểu hiện của bệnh răng miệng nhạy cảm

Cách điều trị bệnh răng miệng

Tùy vào tình trạng, nguyên nhân mà sẽ có những cách trị bệnh răng miệng khác nhau. Ví dụ như:

Làm sạch răng miệng: Sử dụng chỉ nha khoa, lấy cao răng định kì, vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn từ nha sĩ.

Điều trị bằng Florua: Phương pháp này được sử dụng để chống lại tình trạng sâu răng, tăng cường men răng, giúp răng khỏe hơn và có thể kháng lại sự xâm nhập của vi khuẩn, acid.

Thuốc uống: Thuốc kháng sinh sử dụng trong các trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng, bị áp xe răng, tình trạng viêm nhiễm đã lây lan sang răng khác hoặc xương hàm.

Trám răng, mão răng: Trám răng sử dụng khi răng xuất hiện các lỗ sâu hoặc vết nứt trên răng. Mão răng được dùng trong trường hợp bạn cần loại bỏ các phần răng lớn do bị gãy hoặc chấn thương.

Đặt ống tủy: Sử dụng khi bạn cần lấy tủy răng đã bị tổn thương do sâu răng vào tận trong dây thần kinh. Phương pháp điều trị này sẽ loại bỏ tủy răng đã hư, có thể thay thế bằng tủy răng nhân tạo, sau đó trám lại bằng vật liệu sinh học bên trên lỗ tủy răng.

Phẫu thuật răng miệng: Được thực hiện khi các bệnh răng miệng nghiêm trọng hơn và các phương pháp điều trị trên không đáp ứng được. Những phẫu thuật được thực hiện như nhổ răng, ghép xương, ghép mô mềm, cấy ghép nha khoa, phẫu thuật tạo vạt,..

Sử dụng gel bôi tại chỗ: Với các trường hợp bị lở, loét miệng, bạn có thể sử dụng những loại gel bôi tại chỗ. Ưu tiên các loại gel bôi có chứa thành phần Nano Bạc - chất diệt khuẩn tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy, nano bạc có khả năng diệt khuẩn trên nhiều chủng vi sinh vật gây bệnh khác nhau. Chỉ cần một lượng nano bạc rất nhỏ cỡ 1mg/L đã tiêu diệt hoàn toàn các vi sinh vật gây bệnh này ngay cả với những chủng vi khuẩn đã kháng rất nhiều loại kháng sinh. Ngoài ra, khi kết hợp nano bạc với những thảo dược như đinh hương, neem, duối,… sẽ tăng tác dụng diệt khuẩn, hỗ trợ điều trị các bệnh răng miệng hiệu quả.

su-dung-gel-boi-tai-cho-co-thanh-phan-nano-bac-giup-ho-tro-dieu-tri-benh-rang-mieng-hieu-qua.webp

Sử dụng gel bôi tại chỗ có thành phần Nano Bạc giúp hỗ trợ điều trị bệnh răng miệng hiệu quả

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh răng miệng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Nên đánh răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa thành phần fluor.
  • Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 1 ngày/lần.
  • Kiểm tra định kỳ sức khỏe răng miệng với nha sĩ ít nhất 6 tháng/lần.
  • Tránh sử dụng thuốc lá, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn/uống có đường. Bổ sung chế độ ăn uống ít chất béo, ít đường, nhiều chất xơ như trái cây, hoa quả.

Trên đây là các bệnh răng miệng phổ biến mà bạn có thể gặp phải. Hãy luôn áp dụng các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Những thông tin được cung cấp ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh răng miệng, bạn có thể đặt câu hỏi dưới phần bình luận của bài viết để được hỗ trợ chi tiết hơn.

>>>XEM THÊM: Tất cả thông tin bạn cần biết về lở loét miệng và cách điều trị TẠI ĐÂY


Thanh Hoa

Nguồn tham khảo:

https://www.nidcr.nih.gov/health-info/gum-disease

https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health#risks-and-complications

https://www.verywellhealth.com/top-common-dental-problems-1059461

https://www.webmd.com/oral-health/ss/slideshow-tooth-problems

Bình luận

Bài viết nổi bật