Nhiệt miệng là bệnh lý xuất hiện khá phổ biến trong cộng đồng và rất dễ tái phát trở lại. Hiện nay, trị nhiệt miệng bằng muối đang là một trong những giải pháp được nhiều người lựa chọn. Vậy cụ thể, muối đem lại hiệu quả như thế nào trong điều trị nhiệt miệng? Hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây!
Triệu chứng nhiệt miệng thường gặp
Nhiệt miệng đặc trưng bởi tình trạng viêm loét xuất hiện trong khoang miệng, tuy nhẹ nhưng rất thường gặp. Bệnh xảy ra với tỷ lệ trên 20% dân số. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh lại mang đến nhiều khó chịu cho người mắc, đặc biệt là trong vấn đề ăn uống.
Nhiệt miệng khiến bệnh nhân đau đớn
Ban đầu, những đốm trắng to 1 - 2mm hình thành trong khoang miệng nhưng thường bị bỏ qua do nó không quá rõ rệt. Sau một thời gian, đốm trắng to dần, hơi sưng phồng lên, có chứa nước bên trong, rất hay bị răng cắn vào. Khi đốm trắng vỡ ra sẽ để lại vết loét, dẫn đến những bất tiện trong sinh hoạt và giao tiếp. Sau khoảng 10 - 16 ngày, vết loét tự lành nhưng rất dễ tái phát trở lại. Nhiệt miệng thường xuất hiện với 3 dạng chính với những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
Nhiệt miệng thể nhỏ
- Thường gặp nhất, chiếm 80% các trường hợp viêm lợi.
- Vết loét hình tròn hoặc hình bầu dục, nhỏ, xuất hiện rời rạc.
- Lành nhanh chóng sau 1 đến 2 tuần.
- Không để lại sẹo.
Nhiệt miệng thể lớn
- Vết loét xuất hiện lớn, sâu hơn vết loét nhỏ, cạnh không đều.
- Để chữa lành cần khoảng thời gian dài hơn, có thể lên tới 6 tuần.
- Có thể để lại sẹo.
Nhiệt miệng thể lớn xuất hiện với những vết loét sâu, cạnh không đều
Nhiệt miệng herpes
- Sự xâm nhập của virus herpes làm hình thành các vết loét rất dễ lây lan và tái phát. Nguy cơ nhiễm herpes có thể từ khi sinh ra hoặc do tiếp xúc với người khác.
- Vết loét xuất hiện thành cụm, kích thước gần giống nhau, cạnh không đều.
- Lành sau một đến vài tuần.
- Không để lại sẹo.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Các chuyên gia nha khoa cho biết, nhiệt miệng xảy ra thường do một số nguyên nhân như:
- Nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm.
- Chải răng quá mạnh, bàn chải đánh răng quá cứng gây tổn thương niêm mạc miệng. Đôi khi, có thể do vô tình cắn phải cũng sẽ gây ra vết loét.
- Kem đánh răng và nước súc miệng có chứa natri lauryl sulfate, tác dụng tẩy sạch bề mặt, khiến cho miệng dễ bị khô và viêm loét.
- Niêm mạc miệng bị kích ứng bởi đồ ăn chứa nhiều acid như: Cam, quýt, dứa,… hay các thực phẩm nhiều đường dễ gây kích ứng như socola, cà phê,…
- Ăn nhiều đồ ăn cay, nóng, gây kích thích niêm mạc miệng.
Đồ ăn cay, nóng kích thích niêm mạc miệng gây loét
- Thiếu các vitamin thiết yếu gây ra suy giảm hệ miễn dịch, hệ thống đông máu.
- Hệ miễn dịch của răng bị suy giảm do: Nội tiết tố thay đổi, căng thẳng, hút thuốc lá,… khiến cho vi khuẩn dễ dàng tấn công và gây viêm loét.
Như vậy, có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng rất đa dạng. Đây là lý do chính khiến cho viêm loét miệng có thể tái phát nhiều lần. Ngoài ra, sự tác động liên tục từ vi khuẩn trong khoang miệng và tuyến nước bọt có thể khiến cho bệnh lý trở nên nặng hơn, lâu khỏi. Để nhiệt miệng nhanh chóng được cải thiện, nhiều người tin tưởng áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà, tiêu biểu là bí quyết dùng muối biển.
Muối được sử dụng để điều trị bệnh răng miệng như thế nào?
Từ xa xưa, Hippocrates, cha đẻ của y học phương Tây đã khuyến nghị dùng muối để sát trùng các vết thương sau khi nhìn thấy tác dụng chữa bệnh của nước biển trên bàn tay của những ngư dân. Các biện pháp điều trị vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Sau các phẫu thuật nha khoa: Cấy ghép răng, nhổ răng khôn,... bệnh nhân vẫn được khuyên nên súc miệng nước muối. Trên thực tế, muối có tác dụng hiệu quả trong điều trị nhiệt miệng nói riêng và các bệnh răng miệng nói chung:
- Súc miệng nước muối làm giảm độ acid trong khoang miệng, từ đó đem lại hiệu quả giảm đau.
Nước muối có tác dụng giảm acid trong khoang miệng, giảm đau và tiêu diệt vi khuẩn
- Muối nồng độ cao như một chất ưu trương giúp phá vỡ tế bào vi khuẩn và ngăn chặn chúng tiến triển.
- Kiểm soát sự tiết nước bọt để giúp vết loét mau lành.
Tuy nhiên, việc xát muối trực tiếp vào vết thương không được khuyến khích vì nó kích thích các đầu mút dây thần kinh và gây đau đớn. Do vậy, bạn nên nắm bắt một số biện pháp điều trị nhiệt miệng bằng muối ăn chính xác.
Điều trị nhiệt miệng bằng muối ăn tại nhà
Nhiệt miệng khiến người mắc gặp nhiều khó chịu trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Bạn có thể điều trị nhiệt miệng bằng muối ăn tại nhà để nhanh chóng cải thiện tình trạng này.
Sử dụng nước muối
Hòa tan muối vào trong một cốc nước ấm, nóng và khuấy cho tan. Thêm muối cho đến khi nước có vị khá mặn. Ngậm nước muối trong vòng 20 - 30 giây rồi nhổ bỏ. Thực hiện nhiều lần trong ngày để giúp vết loét lành miệng nhanh hơn.
Không dùng nước súc miệng khác
Các loại nước súc miệng trên thị trường không chỉ chứa muối mà còn có nhiều hóa chất khác. Những chất này không đem lại hiệu quả giúp vết thương chóng lành mà đôi khi chúng còn khiến tình trạng trầm trọng và đau đớn hơn. Do vậy, không nên sử dụng nước súc miệng chứa các chất hóa học dù chúng có chứa muối trong thành phần.
Không nên dùng các loại nước súc miệng có chứa chất hóa học khi bị loét miệng
Ngoài việc sử dụng nước muối, duy trì thói quen chăm sóc răng miệng hợp lý cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng nhiệt miệng và khiến cho vết loét mau lành. Do vậy, bạn nên áp dụng các biện pháp như:
- Bổ sung thực phẩm giúp nhanh khỏi nhiệt miệng như: Các loại đậu, sắn dây, ăn rau xanh, trái cây giàu vitamin C,…
- Duy trì chế độ ăn cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Thường xuyên đi khám răng định kỳ, lấy cao răng 6 tháng/lần.
Nước muối có thể giúp bạn nhanh chóng vượt qua tình trạng nhiệt miệng. Đây không phải là bệnh nguy hiểm, có thể cải thiện nhanh chóng. Do vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm và không cần quá lo lắng. Hãy chăm sóc răng thật tốt để thấy tình trạng được cải thiện rõ nét.
Diệp Linh