Sâu răng là gì? Các giai đoạn của bệnh
Sâu răng là những vùng bị tổn thương vĩnh viễn trên bề mặt cứng của răng, dần dần phát triển thành những lỗ nhỏ trên răng. Sâu răng gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khử khoáng: Men răng là một lớp bao bọc bên ngoài, có tác dụng bảo vệ răng khỏi các yếu tố gây hại. Mặc dù lớp men răng rất cứng nhưng nó có thể bị phá hủy khi tiếp xúc với axit do vi khuẩn tạo ra. Nếu sâu răng được phát hiện sớm từ giai đoạn này có thể tiến hành điều trị tái khoáng chất, giúp hồi phục như cũ. Tuy nhiên, nếu quá trình khử khoáng diễn ra nhanh hơn so với mức độ phục hồi khoáng thì sâu răng sẽ chuyển tới giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn phân rã men: Ở giai đoạn này, lớp men răng tiếp tục bị phá vỡ, dần dần ăn mòn xuống bên dưới và làm hỏng lớp ngà răng. Bạn có thể nhận thấy trên răng có những đốm trắng sẫm chuyển nâu, thậm chí hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Bổ sung khoáng chất ở giai đoạn này không còn tác dụng tự phục hồi mà bắt buộc phải trám lại lỗ sâu.
- Giai đoạn sâu răng: Khi axit ăn mòn tới ngà răng, tốc độ sâu răng tiến triển rất nhanh và có thể ăn sâu tới các dây thần kinh bên trong răng. Ở giai đoạn này, bạn có thể thấy răng bị ê buốt khi dùng thực phẩm nóng hoặc lạnh. Nếu không điều trị kịp thời có thể tổn thương đến tủy răng, nhiễm trùng, áp xe và gây hậu quả khôn lường.
Hình ảnh các giai đoạn tiến triển của sâu răng
Cách nhận biết dấu hiệu sâu răng
Nếu sâu răng ở giai đoạn đầu, bạn có thể sẽ không phát hiện vì nó có thể không có triệu chứng. Khi quá trình phân rã men xảy ra, bạn có thể nhận biết được sâu răng qua các dấu hiệu sau:
- Ê buốt răng khi dùng thực phẩm nóng, lạnh
- Đau buốt răng tới tận óc, đau tự phát không rõ nguyên nhân hoặc đau khi ăn uống.
- Đau khi cắn chạm 2 hàm vào với nhau
- Xuất hiện các lỗ hoặc vết rỗ có thể nhìn thấy trên răng
- Bề mặt răng có màu nâu, đen hoặc trắng đục.
- Ở giai đoạn nặng có thể hình thành áp xe (túi mủ) do nhiễm trùng, gây đau, sưng và sốt.
Khi thấy xuất hiện một trong các dấu hiệu trên, bạn nên đi khám và điều trị trước khi sâu răng trở nên trầm trọng hơn.
Hình ảnh răng hàm bị sâu xuất hiện màu đen, nâu trên mặt nhai
Nguyên nhân gây sâu răng
Một số nguyên nhân gây sâu răng phổ biến và các yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng như:
Do vi khuẩn trong mảng bám
Nguyên nhân sâu răng trực tiếp và phổ biến nhất là do sự tấn công của vi khuẩn. Vi khuẩn này cùng với thức ăn thừa đã tạo nên một lớp màng dính gọi là mảng bám. Vi khuẩn trên mảng bám sử dụng đường và tinh bột trong thức ăn để chuyển hóa tạo ra acid. Theo thời gian, các acid sẽ ăn mòn các khoáng chất trên men răng, còn mảng bám cứng lại thành cao răng. Khi tốc độ ăn mòn lớn hơn khả năng phục hồi khoáng chất sẽ dẫn đến sâu răng.
Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến trào ngược axit từ dạ dày lên miệng, làm mòn men răng và gây sâu răng. Môi trường axit làm vi khuẩn tăng cường hoạt động, tấn công vào ngà răng.
Thiếu florua
Florua là khoáng chất tự nhiên cấu tạo nên lớp men răng, bảo vệ cho răng. Florua thường được thêm vào kem đánh răng và nước súc miệng, nhằm ngăn ngừa sâu răng. Không chỉ vậy, bổ sung florua ở giai đoạn đầu của sâu răng có thể điều trị sâu răng hoàn toàn.
Một số nguyên nhân khác
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị sâu răng mà bạn có thể mắc phải như:
- Một số thực phẩm và đồ uống: Sữa, kem, mật ong, đường, soda, trái cây sấy khô, bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh, ăn vặt,... có khả năng bám lâu trên răng, tạo điều kiện cho môi trường cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
- Vệ sinh răng miệng: Nếu bạn không đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, các mảng bám vi khuẩn sẽ tích tụ và phát triển nhanh chóng gây sâu răng.
- Khô miệng: Tiết nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách rửa sạch thức ăn và mảng bám trên răng, chống lại axit do vi khuẩn tạo ra. Do vậy, giảm sản xuất nước bọt cũng là nguyên nhân gây sâu răng.
- Do tuổi tác: Sâu răng thường gặp hơn ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi. Trẻ nhỏ thường có thói quen ăn đồ ngọt nhưng không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn. Còn người lớn tuổi có thể bị tụt lợi hoặc răng mòn đi theo thời gian, dẫn đến dễ bị sâu chân răng.
Các phương pháp điều trị sâu răng
Tùy thuộc vào các giai đoạn và mức độ sâu răng mà sẽ có phương pháp điều trị riêng. Dưới đây là các lựa chọn điều trị sâu răng khác nhau dựa trên sự tiến triển của bệnh.
Biện pháp điều trị nha khoa
- Phương pháp điều trị bằng florua: Nếu bạn đang ở giai đoạn đầu của sâu răng, điều trị bằng florua có thể giúp men răng tự phục hồi. Nha sĩ có thể điều trị florua bằng cách bôi lên răng dưới dạng gel hoặc dầu bóng. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung thêm florua cho răng bằng cách sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng hoặc uống nước khoáng có chứa fluor.
- Trám răng: Khi sâu răng bước vào giai đoạn phân rã men, trên răng sẽ xuất hiện các lỗ tổn thương. Đầu tiên, nha sĩ sẽ loại bỏ mô răng bị sâu bằng dụng cụ chuyên dụng. Sau đó, phục hồi răng bằng cách trám lại bằng vật liệu trám như: Nhựa thông, gốm sứ hoặc hỗn hợp nha khoa.
- Lấy tủy và bọc răng: Nếu tổn thương răng đã lan đến tủy răng, bạn cần loại bỏ phần tủy răng bị sâu và làm sạch bên trong và chân răng. Thực hiện trám răng hoặc bọc răng bằng vật liệu sứ, kim loại hoặc hợp kim.
- Nhổ răng: Trong trường hợp sâu răng bị nhiễm trùng nặng, áp xe, nha sĩ có thể nhổ bỏ răng bị sâu. Đối với khoảng trống, bạn có thể làm cầu răng hoặc cấy ghép implant để thay thế chiếc răng đã mất, để tránh tình trạng lệch khớp cắn.
Điều trị nha khoa trám răng, lấy tủy và bọc răng giúp chữa sâu răng dứt điểm
Mẹo trị sâu răng
Một số mẹo dân gian trị sâu răng được nhiều người áp dụng và cho hiệu quả khả quan có thể kể đến như:
- Lá trầu không: Lấy 2-3 lá trầu không cùng một ít muối trắng, giã nhỏ rồi hòa cùng 1 chén rượu trắng. Để yên khoảng 10-15 phút rồi lọc lấy phần nước, chấm lên răng bị sâu bằng tăm bông.
- Trà xanh: Với tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, bạn có thể uống hoặc súc miệng với trà xanh để ngăn chặn sự phát triển của sâu răng.
- Kết hợp tỏi và gừng: Sử dụng một nhánh gừng, 1-2 tép tỏi và một ít muối rồi giã nhuyễn. Hỗn hợp trên giúp kháng viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng. Đắp hỗn hợp lên vùng sâu răng và để yên 5-10 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
Sử dụng lá trầu không giúp chữa sâu răng tại nhà hiệu quả
Chữa sâu răng tại nhà bằng gel kháng khuẩn
Bạn có thể khắc phục sâu răng tại nhà đơn giản chỉ với sản phẩm gel làm sạch&kháng khuẩn chứa nano bạc. Với thành phần bao gồm nano bạc, chiết xuất đinh hương, chiết xuất duối, kẽm salicylate có khả năng kháng khuẩn vượt trội, chăm sóc răng miệng tốt. Cụ thể:
- Nano bạc: Nano bạc có tác dụng kháng khuẩn trên cả vi khuẩn Gram âm, Gram dương và các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh… Nhờ tác dụng đó, sản phẩm chứa nano bạc giúp ngăn ngừa và điều trị tốt các bệnh nha khoa, đặc biệt là sâu răng.
- Chiết xuất đinh hương và chiết xuất duối: Chiết xuất đinh hương có tác dụng kháng viêm, điều trị các triệu chứng do sâu răng gây răng. Còn chiết xuất duối có khả năng ức chế sự tạo thành mảng bám, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Sự kết hợp của 2 loại thảo giúp kháng viêm, kháng khuẩn và điều trị sâu răng hiệu quả.
- Kẽm salicylate: Được biết đến với tác dụng tăng sức đề kháng cho răng miệng, kẽm salicylate sẽ giúp chăm sóc tốt và ngăn ngừa sâu răng xảy ra.
Sản phẩm chứa nano bạc hoàn toàn an toàn, lành tính với mọi đối tượng, kể cả trẻ nhỏ. Sử dụng sản phẩm hàng ngày không chỉ giúp bạn điều trị sâu răng mà còn ngăn ngừa các bệnh răng miệng khác.
Làm thế nào để ngăn ngừa sâu răng?
Vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp bạn phòng ngừa sâu răng đáng kể. Bên cạnh đó, một số biện pháp giúp bạn ngăn ngừa sâu răng đó là:
- Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, sau mỗi bữa ăn và đặc biệt là trước khi đi ngủ. Súc miệng sau khi đánh răng để hạn chế hình thành mảng bám. Lựa chọn kem đánh răng chứa flour và nước súc miệng có thành phần khử trùng, tiêu diệt vi khuẩn.
- Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch các mảng bám ở kẽ răng.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa đường như kẹo, bánh quy và khoai tây chiên, những chất này có thể tồn đọng trên bề mặt răng.
- Không hút thuốc lá.
- Bổ sung khoáng chất fluor giúp tăng cường men răng bằng cách uống nước có chứa các khoáng chất và flour mỗi ngày.
- Thường xuyên đến gặp nha sĩ để được làm sạch chuyên nghiệp và khám răng miệng, giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng. Điều trị sâu răng sớm nhất có thể, trước khi bệnh trở nên nặng hơn.
- Có thể sử dụng chất trám răng bằng nhựa dành cho mặt nhai của răng hàm để bảo vệ nó khỏi sâu răng.
Hy vọng sau bài viết trên, bạn sẽ hiểu hơn về sâu răng và chọn được phương pháp điều trị phù hợp với bản thân. Nếu còn băn khoăn về vấn đề liên quan tới sâu răng, hãy để lại câu hỏi tại phần bình luận, đội ngũ chuyên gia sẽ trả lời giúp bạn sớm nhất.
Nguồn tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cavities/symptoms-causes/syc-20352892
https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/tooth-decay-stages
https://www.webmd.com/oral-health/guide/tooth-decay-prevention