Các bệnh lý nhiễm trùng ở khoang miệng thường không chừa bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, những bệnh lý thường rất ít được quan tâm nên dễ bị bỏ qua, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Vậy các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng hiện nay là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây nhé!
Thực trạng về các bệnh nhiễm trùng khoang miệng hiện nay
Khoang miệng là một bộ phận quan trọng của cơ thể bao gồm môi, lưỡi, vòm họng và răng tạo thành. Khoang miệng là cơ quan đầu tiên tiếp nhận nước, thức ăn và không khí để thực hiện quá trình tiêu hóa, hô hấp, tạo máu,... duy trì sự sống cho cơ thể. Vì vậy, bộ phận này đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan cũng như thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của răng miệng, nên thực tế cho thấy, các bệnh viêm, nhiễm trùng khoang miệng ngày càng trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người mắc.
Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, tỷ lệ người mắc các bệnh viêm, nhiễm trùng khoang miệng ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể: Trên 90% dân số mắc các bệnh khoang miệng như nhiễm trùng vùng niêm mạc miệng (nhiệt miệng, viêm niêm mạc miệng), viêm nướu răng, viêm quanh răng, viêm lưỡi, nhiễm trùng khoang miệng, viêm loét miệng áp tơ,...
Tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng khoang miệng ngày càng tăng
Nguyên nhân gây các bệnh nhiễm trùng khoang miệng hiện nay
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng, ví dụ như:
- Nhiễm vi sinh vật: Vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng.
- Tiền sử gia đình: Khoảng 40% trường hợp mắc các bệnh về răng miệng đều có người thân đã bị bệnh trước đó.
- Dị ứng với một số loại thức ăn hoặc kem đánh răng.
- Thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi mang thai.
- Tác dụng phụ của một số thuốc.
- Rối loạn chức năng miễn dịch trong cơ thể do một số yếu tố bên ngoài hay các bệnh lý như: Bệnh bạch cầu, tay chân miệng, nấm miệng, nhiễm virus herpes, bệnh đường tiêu hóa,...
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh viêm, nhiễm trùng khoang miệng nhưng nguyên nhân số 1 là do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Theo nghiên cứu, trong khoang miệng của chúng ta có hơn 800 loài vi khuẩn sống ở niêm mạc miệng, 1300 loài được tìm thấy ở kẽ hở nướu và gần 1000 loài tồn tại ở các mảng bám răng.
Khoang miệng chính là môi trường lý tưởng để vi sinh vật sinh sôi và phát triển (do trong khoang miệng có luôn có nước bọt, dinh dưỡng, nhiệt độ phù hợp cho vi sinh vật phát triển). Vì vậy khi gặp điều kiện thuận lợi như: Sức đề kháng của tế bào niêm mạc miệng, lợi bị suy giảm (do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng), các vết xước (do bỏng khi ăn uống, chấn thương khi nhai, xỉa răng, chải răng không đúng cách),... vi khuẩn, virus sẽ tấn công tổ chức bên trong khoang miệng bằng cách tiết ra độc tố và gây ra các bệnh lý nhiễm trùng như: Viêm loét vùng niêm mạc miệng (nhiệt miệng, viêm niêm mạc miệng), viêm nướu răng, viêm quanh răng, viêm lưỡi, nhiễm trùng khoang miệng, viêm loét miệng áp tơ,... Ngoài ra, vi khuẩn tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn trong còn sót lại bên trong khoang miệng, thải ra các hợp chất lưu huỳnh sẽ tạo mùi hôi khó chịu trong hơi thở của người mắc (hôi miệng).
Vi khuẩn, virus là nguyên nhân gây nên các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng
Các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng hiện nay
Mỗi ngày chúng ta đưa vào khoang miệng vô số thực phẩm, chính điều đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, gây ra rất nhiều các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng, điển hình như:
Viêm loét vùng niêm mạc miệng (nhiệt miệng, viêm niêm mạc miệng)
Theo một nghiên cứu, hiện nay có tới 75% dân số bị viêm loét vùng niêm mạc miệng (nhiệt miệng, viêm niêm mạc miệng). Tỷ lệ bệnh giữa nam giới và nữ giới là tương đương. Vi khuẩn, virus, nấm là những tác nhân thường gặp gây viêm loét vùng niêm mạc miệng. Bệnh gây ra thương tổn là các vết loét hình tròn hoặc ovan, kích thước to nhỏ khác nhau, số lượng ít hoặc nhiều, xung quanh có vầng đỏ, đáy vết loét có màu vàng hoặc màu xám. Các vết loét gây đau, khó chịu, ăn uống khó. Loét tái diễn lâu làm người bệnh sụt cân, lo lắng, giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh viêm lợi
Tại Việt Nam, điều tra sức khỏe răng miệng được thực hiện vào năm 2017 cho thấy, 95% số người đến khám tại các trung tâm răng - hàm - mặt có biểu hiện của viêm lợi. Các bệnh viêm lợi chỉ khu trú ở lợi và có đặc tính là viêm, lợi sưng, đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng, lợi chuyển sang màu nâu sẫm đỏ, hơi thở có mùi hôi,... Bệnh xảy ra do vệ sinh răng miệng kém dẫn đến các mảng thức ăn thừa tồn tại lâu trong khoang miệng, hình thành cao răng, mảng bám, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và tấn công niêm mạc lợi, gây viêm. Ngoài ra, người có bệnh bạch cầu, phụ nữ có thai cũng dễ bị viêm lợi. Bệnh có thể lan ra niêm mạc miệng, khi đó người ta gọi là viêm lợi - miệng hoặc viêm miệng. Nếu không điều trị, viêm lợi có thể tiến triển lây lan đến các mô cơ, xương, dẫn đến tụt lợi và nguy cơ mất răng sớm.
Dấu hiệu của bệnh viêm lợi
Bệnh viêm quanh răng
Khi vi khuẩn gây viêm lợi không bị tiêu diệt thì sẽ gây bệnh viêm quanh răng. Theo một nghiên cứu hiện nay, số người mắc bệnh viêm quanh răng chiếm tỷ lệ 86,2%. Bệnh viêm quanh răng có đầy đủ các biểu hiện lâm sàng như viêm lợi, bao gồm: Hôi miệng, sưng, đỏ, chảy máu lợi, đau khi nhai, răng lung lay, nhạy cảm,... Lúc này, không chỉ đơn thuần là sưng và chảy máu chân răng nữa mà lợi sẽ dần tụt khỏi răng, hình thành nên những túi lợi sâu, càng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển làm tổ, tấn công mạnh mẽ hơn, khiến bệnh trầm trọng thêm. Viêm lợi - viêm quanh răng không được điều trị tạo thành một vòng bệnh lý luẩn quẩn, cuối cùng là khiến vi khuẩn mạnh lên, xương và dây chằng bao bọc quanh răng bị tiêu huỷ dần, khiến cho răng không có chỗ dựa, trở nên lung lay và rụng sớm.
Loét miệng áp tơ
Bệnh loét miệng áp tơ đang trở nên phổ biến. Theo thống kê trung bình cứ 5 người thì có 1 người từng mắc bệnh này trong đời, thường xuyên tái phát. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như rối loạn nội tiết, stress, thiếu hụt vitamin, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do virus, vi khuẩn. Theo kích thước, số lượng, thời gian lành vết loét, bệnh được chia thành ba thể: Loét áp tơ nhỏ (minor) chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 90-95%; loét áp tơ lớn (major) chiếm 5-10%; loét áp tơ dạng herpes chiếm 1-5%. Bệnh loét miệng áp tơ thường có biểu hiện giống với viêm loét vùng niêm mạc miệng nên rất khó nhận biết. Các vết loét có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong miệng, nhưng hay gặp nhất là ở những vị trí đã từng bị sang chấn, lặp đi lặp lại, ví dụ như niêm mạc môi dưới nơi răng nanh hay cắn vào, đầu lưỡi,... Các vết loét thường khiến người bệnh đau nhức, khó chịu, gặp nhiều bất tiện trong ăn uống.
Viêm lưỡi
Một báo cáo đã cho thấy, tỷ lệ mắc viêm lưỡi là 14,3%. Viêm lưỡi là căn bệnh thường gặp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây viêm lưỡi nhưng đa số là do: Vi khuẩn, virus, nấm (thường gặp ở người có cơ địa suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh kéo dài,...) chấn thương, chất kích thích (thuốc lá, rượu, chất cay, thức ăn uống nóng); Mẫn cảm (với thuốc đánh răng, chất màu thực phẩm); Các vị trí viêm thường lan rộng và trở nên trầm trọng khi người bệnh bị nhiễm khuẩn tại chỗ, bỏng, chấn thương. Trong đó vi khuẩn, virus, nấm là những tác nhân thường gặp gây viêm lưỡi. Các biểu hiện viêm lưỡi rất đa dạng, bao gồm: Khó khăn khi vận động lưỡi, thay đổi về màu sắc, từ màu hồng bình thường của lưỡi sang màu trắng, đỏ hoặc đen, thay đổi về kích thước, lưỡi sưng phồng lên, cảm giác đau hoặc rát, xuất hiện các tổn thương loét trên lưỡi. Bệnh gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến ăn uống và sức khỏe người mắc. Một số bệnh viêm lưỡi thường gặp: Viêm lưỡi bản đồ, lưỡi nứt, lưỡi lông đen,...
Nhiễm trùng khoang miệng
Hiện nay, có khoảng 15-20% người trung niên (35 đến 44 tuổi) mắc nhiễm trùng khoang miệng. Cũng như các bệnh viêm loét trong khoang miệng khác, mặc dù có nhiều yếu tố gây ra nhưng nguyên nhân chính gây nhiễm trùng khoang miệng là do virus, vi khuẩn, nấm. Nhiễm trùng khoang miệng thường xuất phát từ sự tổn thương mô mềm trong khoang miệng với các triệu chứng như: Viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, lở loét, rối loạn về ăn nhai nuốt do sưng nề các tổ chức trong khoang miệng, có thể xuất hiện áp xe dưới lưỡi, dưới niêm mạc, nổi hạch góc hàm, hạn chế vận động há miệng, vận động lưỡi, lưỡi bị đẩy cao lên trên hoặc bị lệch sang một bên. Bệnh thường gây cảm giác đau và khó chịu, nhất là khi ăn uống. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng khoang miệng có thể để lại những biến chứng rất nặng như: Nhiễm trùng hô hấp gây khó thở, suy hô hấp, nhiễm trùng máu, viêm não, suy giảm thị lực, cơ thể suy dinh dưỡng (do khó ăn uống, kém ăn kéo dài),...
Bí quyết khắc phục các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng
Vấn đề chăm sóc răng miệng phần lớn chưa được mọi người quan tâm đúng mức. Việc đến thăm khám bác sĩ quá muộn sẽ gây khó khăn trong việc điều trị và chữa dứt điểm. Do đó, bạn nên tham khảo các biện pháp sau đây:
Đánh răng đều đặn mỗi ngày: Vệ sinh răng miệng tốt bằng bàn chải đánh răng 2 lần/ngày sẽ giúp giảm tải lượng vi khuẩn gây mùi hoạt động một cách tốt nhất.
Vệ sinh bằng chỉ nha khoa: Đánh răng thôi chưa đủ, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ sạch mảng bám trong răng, từ đó hạn chế việc vi khuẩn hình thành gây mùi hôi miệng khó chịu.
Súc miệng hàng ngày: Đừng quên rèn luyện thói quen súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày giúp tiêu diệt và ngăn ngừa khả năng phát triển, sinh sôi các vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng.
Súc miệng hàng ngày giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng
Chế độ ăn uống cân bằng: Việc thường xuyên sử dụng đồ ăn cay nóng hay các chất kích thích sẽ tạo áp lực không nhỏ lên hoạt động của dạ dày, làm axit tiết ra nhiều hơn, dẫn đến tình trạng hôi miệng ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, hãy tránh xa những thực phẩm này, thay vào đó hãy tăng cường rau xanh, trái cây, bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, PP và vitamin C hằng ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe toàn trạng nói chung.
Ngô Ánh