Viêm quanh răng: Tổng quan về bệnh và cách điều trị hiệu quả

Viêm quanh răng là một trong những bệnh răng miệng phổ biến. Đó là tình trạng nhiễm trùng mạn tính, ảnh hưởng đến lợi và các tổ chức quanh răng. Bệnh thường tiến triển thầm lặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm quanh răng là gì?

Viêm quanh răng hay còn biết đến với một tên gọi khác là viêm nha chu. Đây là một biểu hiện viêm mãn tính, lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng phá hủy tổ chức nâng đỡ răng bao gồm vùng lợi, các dây chằng quanh răng,...

Viêm quanh răng kéo dài sẽ đi kèm với tình trạng tụt lợi. Quá trình này trải qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Lợi khỏe mạnh bình thường
  • Giai đoạn nhẹ: Viêm quanh răng bắt đầu xuất hiện, mức độ biểu hiện còn nhẹ, lợi tụt khoảng 3-5mm
  • Giai đoạn trung bình: Mức độ viêm quanh răng đã đến tiến triển nặng hơn, lợi tụt khoảng 5-7mm
  • Giai đoạn nặng: Viêm quanh răng đa ở giai đoạn nặng, lợi tụt trên 7mm

Dấu hiệu viêm quanh răng rất dễ nhận biết. Người bệnh sẽ cảm thấy đau tức khó chịu, phần nướu không còn bám chặt vào răng nữa. Phần nướu bị sưng đỏ và dễ bị tụt nướu. Dễ bị chảy máu chân răng khi đánh răng hoặc có vật cứng chạm nhẹ vào chân răng. 

Sự xuất hiện các mảng bám cao răng nhiều lên bất thường cũng là dấu hiệu viêm quan răng cần chú ý. Khi người bệnh ấn nhẹ tay vào khu vực đó có thể nhìn thấy chất dịch màu vàng chảy ra.

Viêm quanh răng cũng khiến hơi thở có mùi, làm người mắc thiếu tự tin khi giao tiếp, trò chuyện. Ngoài ra, khi đi chụp CT còn phát hiện túi mủ nằm sâu bên trong nướu, lúc này răng đã bắt đầu lung lay.

viem-quanh-rang-co-the-gay-chay-mau-chan-rang.webp

Viêm quanh răng có thế gây chảy máu chân răng

Nguyên nhân gây viêm quanh răng là gì?

Bệnh viêm quanh răng được gây ra bởi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm:

- Yếu tố bên ngoài: Bao gồm mảng bám và cao răng. Mảng bám răng là một mảng mềm phủ lên mặt răng và lợi, chứa các loại vi khuẩn, nguy hiểm hơn cả là vi khuẩn kỵ khí gram âm và xoắn khuẩn gây viêm quanh răng. Ngoài ra, các yếu tố như chấn thương khớp cắn, răng mọc lệch, vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá,... cũng góp phần làm tình trạng viêm tiến triển nặng thêm.

- Yếu tố bên trong: Suy dinh dưỡng, thiếu vitamin đặc biệt là vitamin C, thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, thai nghén và cho con bú, có các bệnh toàn thân như bệnh nội tiết, bệnh máu và sức đề kháng yếu.

Chẩn đoán viêm quanh răng bằng cách nào?

Để chẩn đoán bệnh bạn có bị viêm quanh răng hay không, bác sĩ sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin về sức khỏe nói chung và về bệnh răng miệng nói riêng. Điều này rất quan trọng để có thế xác định nguyên nhân chính gây viêm quanh răng. 

Tiến hành kiểm tra miệng nhằm phát hiện các mảng bám, vôi răng gây chảy máu. Thực hiện đo độ sâu của túi nướu bằng dụng cụ  chuyên dụng. Dựa vào độ sâu của túi nướu sẽ biết được tình trạng mức độ viêm nhiễm. Nếu túi nướu sâu hơn 5mm sẽ rất khó để làm sạch hoàn toàn. Nếu nghi ngờ xương răng bị mất tiến hành chụp Xquang.

thuc-hien-do-do-sau-cua-nuou-de-chan-doan-viem-quanh-rang.webp

Thực hiện đo độ sâu của nướu để chẩn đoán viêm quanh răng

Viêm quanh răng có nguy hiểm không?

Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng viêm quanh răng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh lâu dài.

Nếu để bệnh tiến triển và hình thành túi mủ quanh răng thì có thể phát triển thành áp - xe quanh răng, khu trú ở một hoặc nhiều răng, khi đó cần phần dẫn lưu ổ mủ.

Bệnh cũng có thể gây viêm tủy răng ngược dòng do nhiễm trùng từ túi quanh răng lan tới cuống răng vào tuỷ răng. Viêm tủy răng là cấp cứu nha khoa, người bệnh bị đau dữ dội, đau từng đợt, hậu quả có thể gây chết tủy dẫn đến viêm quanh chóp chân răng, áp-xe quanh chóp răng và sẽ phát sinh các biến chứng như: Viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch,… rất nguy hại cho sức khỏe. Biến chứng của bệnh cũng có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng khác như: Viêm mô tế bào, viêm xoang hàm, viêm xương tủy hàm, những bệnh này gây chảy dịch, đau đớn, gây mùi hôi,… ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt cũng như giao tiếp.

Ngoài ra, người mắc bệnh viêm quanh răng có nguy cơ cao bị đau tim và đột quỵ. Các nghiên cứu cho rằng, vi khuẩn trong bệnh viêm quanh răng theo dòng máu đến động mạch vành gây viêm, dẫn đến hẹp lòng mạch và gây ra các cơn đau tim. Ngoài ra, vi khuẩn có thể tạo những cục máu đông trong lòng mạch gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ. 

Sản phụ bị bệnh viêm quanh răng có nguy cơ đẻ non cao hơn so với sản phụ bình thường. Cuối cùng, hậu quả của viêm quanh răng không điều trị hoặc điều trị muộn sẽ gây lung lay răng và dần dần bị rụng răng và mất răng sớm hàng loạt. 

viem-quanh-rang-co-the-dan-den-tinh-trang-ap-xe-quanh-chop-rang.webp

Viêm quanh răng có thể dẫn đến tình trạng áp-xe quanh chóp răng

Làm gì để điều trị viêm quanh răng?

Nguyên tắc chung của việc điều trị viêm quanh răng bao gồm:

  • Điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ
  • Thực hiện làm sạch các mảng bám, lấy cao răng
  • Chỉ định phẫu thuật hoặc nhổ răng trong trường hợp tiến triển nặng

Các yếu tố nguy cơ gây viêm quanh răng điển hình như vệ sinh răng miệng kém, tiểu đường, hút thuốc,... Do đó bạn cần kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, đồng thời từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Bạn có thể kết hợp nước súc miệng và chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng để vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Bên cạnh đó, việc lấy cao răng và làm nhẵn chân răng sẽ giúp loại bỏ các mảng bám cũng cần được thực hiện. 

Người bệnh sẽ được đánh giá lại tình trạng viêm sau 3 tuần thực hiện các biện pháp trên. Nếu túi lợi không sâu hơn 4mm thì chỉ cần duy trì phương pháp làm sạch này thường xuyên hơn. Nếu túi lợi sâu hơn 4mm, cần sử dụng kháng sinh để điều trị tình trạng viêm nhiễm. 

Amoxicillin là loại kháng sinh được sử dụng đầu tay để điều trị viêm quanh răng. Người bệnh dùng viên Amoxicillin 500mg đường uống 3 lần/ngày trong 10 ngày liên tục. 

Phẫu thuật loại bỏ túi lợi là một trong những phương pháp điều trị viêm quanh răng. Phẫu thuật giúp tái tạo và ghép xương răng, kích thích tăng trưởng xương ổ răng. Cần nẹp phần răng bị lung lay, đồng thời mài bề mặt răng giúp loại bỏ sang chấn khớp cắn. Trường hợp viêm quanh răng tiến triển nặng tiến hành nhổ răng.

Đối với viêm quanh răng tiến triển nhanh khu trú cần thực hiện phẫu thuật kết hợp sử dụng kháng sinh đường uống (ví dụ, amoxicillin 500 mg 4 lần/ngày hoặc metronidazole 250 mg 3 lần 1 ngày trong 14 ngày).

Bên cạnh đó, người bệnh viêm quanh răng còn có thể kết hợp cùng sản phẩm thiên nhiên chứa nano bạc giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm hiệu quả. Nano bạc được biết đến là chất sát khuẩn có tác dụng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn phổ rộng. Chỉ với một lượng nhỏ nano bạc đã có thể tiêu diệt hoàn toàn các vi sinh vật gây bệnh như: E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii,... Ngoài ra, khi nano bạc kết hợp với các thành phần thảo dược khác sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm quanh răng hiệu quả, an toàn.

Viêm quanh răng có thể gặp ở bất cứ ai, dó đó bạn cần phòng ngừa bệnh và điều trị triệt để nếu có những dấu hiệu sớm. Nếu còn băn khoăn về vấn đề viêm quanh răng, bạn hãy để lại câu hỏi tại phần bình luận để được giải đáp sớm nhất,

Thanh hoa

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/swollen-gum-around-one-tooth

https://www.webmd.com/oral-health/guide/pericoronitis

https://crest.com/en-us/oral-care-tips/gum-health/inflamed-gums-causes-treatments-gum-swelling

Bình luận

Bài viết nổi bật