Loét miệng áp tơ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Loét miệng áp tơ là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Cứ khoảng 5 người thì có 1 người mắc. Bệnh có thể tái diễn nhiều đợt và gây đau khi ăn, uống hoặc khi vệ sinh răng miệng. Vậy loét miệng áp tơ là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh như thế nào? Nếu bạn cũng có chung những thắc mắc như trên thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Loét miệng áp tơ là gì?

Loét miệng áp tơ là bệnh loét ở miệng thường gặp nhất, ảnh hưởng tới khoảng 30% dân số và hầu hết xuất hiện ở tuổi 30. Vị trí tổn thương thường là niêm mạc phía trong của miệng. Khoảng 20 - 40% dân số bị loét miệng áp tơ ít nhất một lần trong đời, nhiều người có thể bị tái phát rất nhiều đợt. Tỷ lệ bệnh giữa nam giới và nữ giới là tương đương nhưng có sự khác nhau theo chủng tộc và lứa tuổi. Người da trắng có xu hướng mắc bệnh cao hơn người da đen. Bệnh hay gặp ở người trẻ tuổi, trong đó một phần ba trẻ em dưới 18 từng có biểu hiện của bệnh. Tỷ lệ và mức độ nặng của bệnh giảm dần theo tuổi.

Nguyên nhân gây loét miệng áp tơ

Loét miệng áp tơ là một bệnh chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bệnh do vi khuẩn, virus trong khoang miệng gây nên. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như:

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong bệnh loét áp tơ miệng. Khoảng 40% bệnh nhân có tiền sử trong gia đình bị loét miệng áp tơ. Những người này thường khởi phát bệnh sớm và mức độ nặng hơn.

Chấn thương cơ học

Các sang chấn của niêm mạc miệng do yếu tố cơ học như tiêm tê, răng sắc nhọn, bàn chải đánh răng thô ráp hoặc can thiệp nha khoa có thể gây khởi phát loét miệng áp tơ.

Các loại thuốc

Có một số thuốc liên quan tới sự phát triển của loét áp tơ miệng như thuốc ức chế men chuyển captopril, muối vàng, nicorandil, phenindion, phenobarbital và dung dịch hypochloride. Ngoài ra, các thuốc chống viêm không steroid như axit propionic, diclofenac, và piroxicam có thể gây ra các vết loét miệng giống loét miệng áp tơ.

Thiếu máu

Sự thiếu hụt các yếu tố tạo máu như sắt, vitamin B12 và axit folic ở những người bị bệnh loét miệng áp tơ cao gấp hai lần so với nhóm chứng, đặt ra giả thiết về mối liên quan giữa thiếu máu và loét miệng áp tơ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng thiếu máu là do chế độ ăn uống kém khi bị loét miệng áp tơ.

Thay đổi nội tiết

Mối liên quan giữa bệnh loét miệng áp tơ và sự thay đổi nội tiết ở phụ nữ vẫn đang gây tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng loét miệng áp tơ thường xảy ra trong giai đoạn bắt đầu kinh nguyệt .

Căng thẳng, stress

Căng thẳng, stress được xem là yếu tố căn nguyên của loét miệng áp tơ. Nó gián tiếp gây bệnh loét miệng áp tơ thông qua những hành động hàng ngày, góp phần làm tăng nguy cơ sang chấn mô mềm như cắn môi, cắn má.

Căng thẳng, stress là nguyên nhân gây bệnh loét miệng áp tơ

Căng thẳng, stress là nguyên nhân gây bệnh loét miệng áp tơ

Triệu chứng của loét miệng áp tơ

Biểu hiện của bệnh có tính chất chu kỳ lặp lại gần giống nhau, mỗi đợt kéo dài khoảng 10 - 15 ngày, thông thường quá trình hình thành vết loét sẽ trải qua 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn đầu:

Xuất hiện các điểm tổn thương, có thể là một điểm hoặc nhiều điểm trong niêm mạc miệng với đặc điểm là những nốt nhỏ 1 –2 mm hơi rắn và hơi gồ lên mặt niêm mạc, hơi đau. Sau vài ngày các điểm này lớn dần bên trong, có dịch viêm nổi phồng căng bóng hoặc vỡ rất nhanh để lại ổ hoại tử.

+ Giai đoạn ổ hoại tử:

Khi các mụn nước vỡ, hình thành ổ hoại tử là những đốm to 2 – 3 mm màu vàng nhạt, mảng hoại tử này sẽ tan dần thành dịch viêm hòa lẫn vào nước bọt và đi xuống đường tiêu hóa, giai đoạn này thường ngắn, chỉ kéo dài 1- 2 ngày hoặc ngắn hơn nữa.

+ Giai đoạn ổ loét:

Đây là giai đoạn kéo dài nhất, thường từ  5 - 7 ngày, có thể tới 15 ngày hay lâu hơn nữa. Thông thường người bệnh không chú ý, khi ăn mặn thấy xót và nói đau mới phát hiện thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn này.

Thông thường nếu không có biến chứng các vết loét tự lành không để lại sẹo sau 5 - 7 ngày, người bệnh ăn uống sinh hoạt bình thường, rồi lại tái diễn đợt khác tương tự. Tùy từng người, và trên cùng một người mắc cũng tùy từng thời gian mà thời gian lành bệnh dài ngắn khác nhau.

Biện pháp phòng tránh bệnh loét miệng áp tơ

Loét áp tơ miệng thường hay tái phát, có người bị vài lần trong năm nhưng có một số người lại bị rất thường xuyên. Chính vì thế, phòng tránh loét miệng áp tơ tái phát là rất cần thiết. Để phòng tránh hiệu quả bạn nên:

- Tránh ăn uống các loại thức ăn có chất kích thích tại chỗ như: Các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, cafein,...

- Tránh chấn thương dù rất nhẹ ở miệng như cẩn thận khi dùng bàn chải đánh răng, khi ăn các loại thức ăn cứng.

- Tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc, lao động vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi kéo dài khiến bệnh dễ tái phát.

- Nên súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng nhiễm nấm và vi khuẩn.

Súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý giúp phòng bệnh loét miệng áp tơ

Súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý giúp phòng bệnh loét miệng áp tơ

- Không dùng các loại kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate nếu thường xuyên bị viêm loét áp-tơ.

- Bổ sung các chất sắt, folic acid hoặc vitamin B12 nếu bị thiếu.

- Trong trường hợp bạn bị viêm loét miệng áp tơ thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là 1 biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng nâng cao thể trạng, uống vitamin tổng hợp, cũng giúp phòng tái phát bệnh.

Hà Anh

Bình luận

Bài viết nổi bật