Giải đáp thắc mắc: Bị viêm chân răng uống thuốc gì hiệu quả?

Viêm chân răng là bệnh lý xảy ra ở tổ chức xung quanh răng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi bị viêm chân răng uống thuốc gì là vấn đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về viêm chân răng cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng tương tự, xin mời theo dõi ngay!

Viêm chân răng là bệnh gì?

Viêm chân răng là tình trạng các tổ chức quanh răng bị sưng tấy, viêm nhiễm. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, gây ra những tổn thương nghiêm trọng và dẫn tới việc lung lay hoặc gãy răng hàng loạt. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi khác nhau, tiến triển chậm rãi với những cơn đau nhức nhẹ kèm theo phần chân răng bị sưng đỏ. Viêm chân răng lâu ngày khiến cho các túi mủ ở chân răng xuất hiện và gây hôi miệng.

Triệu chứng viêm chân răng

Triệu chứng viêm chân răng

Theo quá trình tiến triển, viêm chân răng được chia làm 2 nhóm:

Viêm chân răng cấp tính: Các cơn đau dữ dội xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định sau đó biến mất. Điều này khiến cho bệnh nhân chủ quan mặc dù bệnh có những diễn biến phức tạp.

Viêm chân răng mạn tính: Cơn đau xuất hiện mà không xác định được vị trí chính xác. Bên cạnh đó, các cơn đau còn xuất hiện lặp lại nhiều lần, liên tục trong thời gian dài khiến bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân chính gây viêm chân răng là do vệ sinh răng miệng kém. Các mảng bám mang theo đầy vi khuẩn có hại tích tụ lại trên răng, khoang miệng. Vi khuẩn sẽ lên men đường có trong các mảng bám để tạo thành acid, kích thích nướu sưng đỏ. Sau một thời gian, viêm chân răng xuất hiện với các triệu chứng: Nướu sưng đỏ, tụt lợi và chân răng sưng phồng lên. Ngoài ra, viêm chân răng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân như: Răng mọc lệch, chấn thương khớp cắn, thiếu vitamin C, sức đề kháng yếu, thay đổi nội tiết tố hoặc mắc các bệnh về máu,…

Thiếu vitamin C gây ra viêm chân răng

Thiếu vitamin C gây ra viêm chân răng

Viêm chân răng là bệnh rất dễ xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân và cũng là do sự chủ quan của người mắc. Hiểu rõ về sự nguy hiểm của căn bệnh này sẽ giúp bạn cảnh giác hơn với những vấn đề mà mình đang gặp phải.

Viêm chân răng nguy hiểm như thế nào?

Viêm chân răng là bệnh ít truyền nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nó có thể lây lan khi phát triển thành bệnh nha chu do vi khuẩn truyền qua nước bọt. Đây là căn bệnh nguy hiểm nếu như không được điều trị, người mắc sẽ bị đau đớn, sưng má, nổi hạch, đau đầu, răng lung lay, gãy rụng,… Không dừng lại ở đó, viêm chân răng còn có thể gây ra hàng loạt biến chứng như:

Sinh non ở phụ nữ có thai

Sự thay đổi hormone khi mang thai làm cho các mao mạch nở rộng và chân răng dễ bị viêm. Khi đó, cơ thể sẽ tự bảo vệ bằng cách tăng sinh prostaglandin – chất kháng viêm sinh học. Nếu prostaglandin sản xuất liên tục, nồng độ chất này tăng cao trong máu gây ra những cơn đau cơ thắt tử cung, dẫn đến tình trạng sinh non.

Viêm chân răng khiến phụ nữ có thai sinh non

Viêm chân răng khiến phụ nữ có thai sinh non

Biến chứng tiểu đường

Bình thường, tuyến tụy sản sinh ra insulin là hormone kiểm soát đường huyết, giúp duy trì nồng độ glucose ở mức bình ổn. Tuy nhiên, khi chân răng bị viêm nhiễm có thể ngăn cản sự hoạt động của các thụ thể insulin trên bề mặt tế bào hay còn gọi là kháng insulin. Nếu tình trạng này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, nếu tuyến tụy bị ức chế trong một thời gian dài có thể gây ra bệnh tiểu đường.

Nhiễm trùng máu

Viêm chân răng tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn có hại đi qua, xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng nguy hiểm. Khi xảy ra nhiễm trùng huyết, bệnh nhân có thể sốt cao, co giật và thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Vi khuẩn trong khoang miệng xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết

Vi khuẩn trong khoang miệng xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết

Ngoài những biến chứng kể trên, viêm chân răng còn có thể ảnh hưởng đến tim mạch, phổi và thậm chí là gây đột quỵ. Do vậy, khi có những vấn đề về răng miệng, bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.

Khi bị viêm chân răng uống thuốc gì?

Khi phải sống chung với những triệu chứng khó chịu, câu hỏi đặt ra là: “Bị viêm chân răng uống thuốc gì?”. Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm chân răng có thể kể tới như:

Dung dịch nước súc miệng

Nước súc miệng có bổ sung thêm các chất kháng khuẩn như: Chlorhexidin, hexetidin, chlorine dioxide, zinc gluconat,… giúp làm sạch vi khuẩn có trong khoang miệng. Do vậy, khi mắc viêm chân răng, bạn nên súc miệng thường xuyên.

Nước súc miệng có chứa clorhexidin làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng

Nước súc miệng có chứa clorhexidin làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng

Bên cạnh việc súc miệng hàng ngày, bạn sẽ cần sử dụng thêm một số thuốc trị viêm chân răng theo chỉ định của bác sĩ như:

Thuốc kháng sinh:

Các kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam, macrolid,… đem lại hiệu quả hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn trú ngụ ở nướu răng, phòng ngừa tình trạng viêm nướu răng.

Các bác sĩ thường kết hợp spiramycin (kháng sinh nhóm macrolid) và metronidazol (thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn kỵ khí) trong nha khoa để điều trị các bệnh răng miệng như: Viêm chân răng, viêm nha chu, sâu răng,…

Thuốc kháng viêm không chứa steroid

Các thuốc kháng viêm thường dùng như: Ibuprofen, diclofenac, meloxicam,… đem lại hiệu quả chính là làm giảm triệu chứng sưng đỏ, giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, không nên sử dụng các thuốc này cho bệnh nhân có tiền sử bị dạ dày.

Corticosteroid

Các thuốc corticosteroid thường dùng gồm: Prednisolon, dexamethason,… Nhóm thuốc này có đặc tính kháng viêm mạnh, giảm đau nhanh và phòng tránh viêm tủy răng hiệu quả. Không chỉ sử dụng trong điều trị viêm chân răng, corticosteroid còn được dùng để giảm đau nhức, sưng đỏ trong viêm nha chu và viêm lợi nói chung.

Corticosteroid kháng viêm mạnh, giảm đau nhanh, phòng tránh viêm tủy hiệu quả

Corticosteroid kháng viêm mạnh, giảm đau nhanh, phòng tránh viêm tủy hiệu quả

Thuốc giảm đau không gây nghiện

Đây là nhóm thuốc được dùng để giảm đau hiệu quả với hoạt chất thông dụng là paracetamol. Thuốc được dùng trong các trường hợp đau nhẹ do viêm, sưng.

Việc sử dụng thuốc sẽ thay đổi đối với từng trường hợp. Do vậy, người mắc không nên tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc trong thời gian dài.

Diệp Linh

Bình luận

Bài viết nổi bật